NOTE: In 1989, I wrote a piece of creative non-fiction in Vietnamese, titled "The Coffins of Ms. Pacifying Heart." There, I spoke of my late maternal grandmother's recurring dreams about a Vietnamese woman who sat by a river to catch coffins floating downstream. In my mind, those coffins symbolized the lives and pain of Vietnamese women in the 20th century, and became my haunting memory of childhood as I stood in New York City looking at the Statute of Liberty. This piece was the predecessor of my novel, Daughters of the River Huong, first published in 2005 by the independent publisher Ravensyard of Fairfax, VA.
Recently, this piece was recorded into audio and posted illegally by a Vietnamese website, chutluulai.net, in violation of my copyright. The mp3 audio has been on sale on amazon.com for approximately a dollar! What really offends me is the grotesque picture posted by this website next to my work, which distorts the content of my piece of creative non-fiction. I requested that the website take down the audio as well as the grotesque picture, but they ignored my request. I am considering legal action. Hence, the following announcement in Vietnamese...
ANNOUNCEMENT
LỜI CỦA LUẬT SƯ/NHÀ VĂN DƯƠNG NHƯ NGUYỆN:
Tác phẩm của tôi, “Những Cỗ Quan Tài Của Tĩnh Tâm” (NCQTCTT), xuất bản và trước tác từ năm 1999, đã bị một website tiếng Việt http://www.chutluulai.net/, ngang nhiên lấy đem ra thu băng và phổ biến trên mạng lưới qua cơ sở của họ, không có sự chấp thuận và hay biết của tôi, vi phạm bản quyền trước ta’c luật nội địa cũng như luật quốc tế. Họ còn đổi tên tác giả từ DƯƠNG NHƯ NGUYỆN thành DƯƠNG NHƯ NGUYỆT, làm hoang mang độc giả và vi phạm đến quyền tiếp thị bằng tên của tôi (violation of publicity rights). Một mp3 của truyện này hiện đang được bán cho công chúng mà không có sự chấp thuận của tôi, vi phạm bản quyền. Ai làm chuyện này ngang nhiên kiếm tiền trên tác phẩm trí tuệ của người khác.
Hơn thế nữa, website chutluulai.net còn để kèm theo tác phẩm của tôi một bức hình mà độc giả mô tả là "ghê rợn, quái gở, kinh khiếp, grotesque, có ẩn ý, thô bỉ,” có tác dụng đổi trắng thay đen và bóp méo nội dung của tác phẩm. Theo tôi, đó còn là một bức hình có tác dụng gây ra bạo lực. Tôi hoàn toàn không chấp nhận việc này và chỉ mới biết việc này mới đây.
Tôi lên tiếng và cho rằng hành động của họ bất hợp pháp. Người chủ trương và webmaster của http://www.chutluulai.net/ -- hoàn toàn nặc danh và giấu mặt, dù lấy địa chỉ ở gmail, đã không trả lời, không chịu xuất hiện để sửa chữa, cho thấy tinh thần kém văn hóa và coi thường luật pháp nội địa cũng như công pháp quốc tế.
Theo tôi, cộng đồng viết lách, truyền thông và mạng lưới xử dụng tiếng Việt có lương tâm, cũng như cộng đồng độc giả chân chính không thể chấp nhận hay dung túng cho việc này. Sự việc này còn nói lên tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp và thông lệ văn minh (ethics, professionalism, and norms of courtesy and decency) trong môi trường mạng lưới, cho những cá nhân cũng như chủ thể chọn mạng lưới hay báo chí truyền thông làm địa bàn, hoạt động và sinh sống.
Một số rất ít blogs, websites và báo chí thân hữu có quyền đăng tải truyện NCQTCTT với sự chấp thuận của tôI mà thôi (vì họ có hỏi tôi trước). Việc đăng tải này cần thiết để làm tan biến ảnh hưởng tiêu cực cho tác phẩm của tôi do bức hình khủng bố của chutluulai.net. Post trên mạng lưới với sự chấp thuận của tác giả không có nghĩa là tác giả đã mất đi bản quyền. Mọi câu hỏi hoặc thắc mắc xin gửi thẳng về cho tôi tại địa chỉ:
wendynicolennduong@post.harvard.edu.
***
"Đau đớn thay phận đàn bà...."
Nguyễn Du
***
Người đàn bà đẹp đầu tiên tôi gặp trong đời là bà ngoại tôi. Khi tôi có trí khôn thì bà ngoại tôi đã ngoài sáu mươi tuổi. Ở tuổi đó, người bà vẫn thẳng, tóc dài gần chấm đất, tuy đã muối tiêu nhưng vẫn còn óng ả, lướt thướt. Bà có chiếc mũi dọc dừa, gò má cao, cặp môi mỏng và cong, rất hiếm thấy trên những khuôn mặt phụ nữ thuần túy Việt Nam.
Bà ngoại tôi pháp danh là Tĩnh Tâm. Tên thật của bà là Hương Quế. Xứ Huế đã đặt cho đàn bà những cái tên đẹp lạ lùng: Dạ Khê, Tiểu Bích, Tú Thiềm, Phiến Tuyết, vân vân.
Mọi người chung quanh cho rằng bà ngoại tôi là một người đàn bà khó tính, khắc nghiệt và lạnh lẽo Bà có một chứng bệnh không bác sĩ nào chữa được. Đó là bệnh nóng cổ. Cổ bà nóng và rát, làm bà ray rứt, khó chịu, ăn ngủ không được, người đâm bẳn gắt. Bà ngoại tôi rất chiều con cháu, nhưng hay la mắng, rầy rà gia nhân. Mẹ tôi là con độc nhất của bà. Gả mẹ tôi cho ba tôi là người Bắc, bà ngoại tôi luôn luôn mang nỗi buồn phải xa đứa con một.
Tôi chưa hề thấy bà ngoại tôi khắc nghiệt hay lạnh lẽo. Bà ngoại thích coi cải lương, say mê. Nhiều khi xúc động, khóc sụt sùi . Con người tình cảm ấy không thể nào khắc nghiệt hay lạnh lẽo. Khi bà la mắng người làm, giọng bà như độc thoại, buồn như một điệp khúc than thở, không hề có tính cách đay nghiến của một người chủ thiếu lòng nhân. Lúc về già, người độc nhất mà bà cằn nhằn là ông ngoại tôi. Nhiều khi không duyên cớ. Ông ngoại tôi người nhỏ bé, tính vui vẻ, hồn nhiên. Bà con gọi đùa là Lão Ngoan Đồng như trong truyện kiếm hiệp. Khi bà ngoại tôi càu nhàu, ông ngoại tôi chỉ phớt tỉnh, ngồi đọc báo.
Mẹ tôi kể cho tôi nghe cuộc đời bà ngoại . Bà chỉ có một người chị gái. Hai chị em con quan xứ Huế, gia đình phong lưu trưởng giả. Người chị gái, bà Ấm, lấy chồng đông con nên vất vả. Bà ngoại tôi lấy ông ngoại tôi là con quan, được đủ miếng ăn thì lại phải chịu những đau đớn khác.
Ngoài cảnh làm dâu trong chế độ gia đình phong kiến, bà ngoại tôi là một người mẹ xấu số. Đẻ ba con trai đều chết cả ba. Mẹ tôi thì èo uột, hay đau ốm. Bà ngoại phải đem cho chùa, đổi tên, cho thần thánh khỏi bắt đi. Vì không có con trai, bà phải cưới vợ hầu cho ông ngoại rất nhiều lần. Mẹ tôi kể có lần bà phải nằm giường sát phòng hợp cẩn của ông ngoại và người hầu trẻ. Ông ngoại tôi là một thứ “ông phán” phong nhã, hào hoa, có không biết bao nhiêu vợ hầu vợ lẽ. Không có con trai, bà ngoại tôi phải nuôi con nuôi, hoặc con trai của những người vợ hầu. Những người con trai này lớn lên (trừ người con út) đều phụ công nuôi dưỡng của bà ngoại tôi mà đi.
***
Thuở nhỏ tôi không hiểu được lòng ưu uất của người vợ lớn là bà ngoại tôi, cũng như nỗi cô đơn của bà. Ở tuổi thơ ấu, tôi không hiểu được căn bệnh nóng cổ của bà. Mẹ tôi bảo bà tưởng tượng ra bệnh. Tôi thì cho rằng bà nóng cổ vì hay hút thuốc Cẩm Lệ.
Tôi lớn lên trong lòng thương và tình quyến luyến của bà ngoại. Có lẽ tôi đã lây tính đa sầu, đa cảm, hay khóc thương phận người của bà. Tuy trí óc non nớt, tôi cũng biết bà ngoại là người hay phiền muộn. Bà thích tôi ngồi coi cải lương với bà, một điều mà bố tôi cấm đoán. Tôi tự cho mình là người bạn nhỏ của bà. Tôi tự nguyện lớn lên sẽ làm cô giáo, mua nhà ở Huế cho bà ngoại ở.
Tôi nhớ mãi có lần tôi bắt gặp bà ngoại tôi nhỏ lệ, không phải vì tuồng cải lương hay vì giận ông ngoại nước mắt bà thấm ướt mái tóc dài. Tay bà run rẩỵ Bà kể cho tôi nghe về một hình ảnh mà lâu lâu bà vẫn thấy trong một giấc mộng đã ám ảnh bà cả đời. Bà dặn dò tôi đừng kể cho ai nghe, kể cả mẹ tôi.
Trong giấc mộng ấy, bà ngoại tôi, người đàn bà đẹp xứ Huế mang tên Tĩnh Tâm, ngồi một mình bên một dòng sông tĩnh lặng. Có thể là dòng Hương Giang, có thể là con sông Bến Ngự, hoặc có thể là khúc sông chảy qua làng Cồn. Trên dòng sông, có những cỗ quan tài trôi từ từ, lặng lẽ.
Người đàn bà ngồi đợi để vớt những cỗ quan tài.
***
Giấc mộng chỉ đến đó thôi rồi bà ngoại tôi tỉnh dậy.
Bàn tay nhỏ bé của đứa cháu gái là tôi lau nước mắt cho bà ngoại tuổi ngoài sáu mươi. Tôi không thấy sợ, chỉ thương bà ngoại tôi nằm thấy ác mộng. Cơn ác mộng lặng lẽ và im lìm, không tiếng động.
Càng lớn, tôi càng nhớ mãi về giấc mộng của bà ngoại tôi. Có lần tôi hỏi, “Ngoại có biết trong quan tài có gì không?” Bà lắc đầu, không nói. Cái lắc đầu của bà có nghĩa gì tôi không rõ. Bà không biết trong quan tài có gì, xác của người thân, xác của người lạ? Hay là bà lắc đầu vì không muốn trả lời câu tôi hỏi.
Tôi vẫn thắc mắc mãi tại sao bà ngoại tôi nằm mộng thấy quan tài? Tại sao bà mang nhiều phiền muộn? Bà tương đối là được sung sướng vật chất và đời sống được bảo đảm. Trong khi cả nước khổ cực theo chiến tranh, theo nạn đói năm Ất Dậu, theo cuộc kháng chiến chống Pháp và những ngổn ngang của lịch sử thì bà ngoại tôi vẫn may mắn làm người thiếu phụ quý phái đất thần kinh.
Năm mười lăm tuổi, tôi đủ thông minh để phỏng đoán là những cỗ quan tài trong giấc mộng tượng trưng cho những cái chết của ba người con trai bà. Không có con trai là thảm kịch của cuộc đời bà ngoại tôi. Có thể những cỗ quan tài ấy tượng trưng cho nỗi đau khổ của bà khi phải chứng kiến những cái chết của những đứa con trai nhỏ vì bệnh sài kinh. Chung là sự hủy diệt sức sống và lẽ an vui của đời bà. Không có con trai, bà sớm mất tư thế trong gia đình. Nghe chuyện, tôi cảm thấy bất mãn cái vô lý, vô nhân của một xã hội chuyên chế đã gây nên sự đau buồn cho bà ngoại. Đồng thời, giấc mộng của bà làm tôi suy nghĩ đến cuộc đời của những phụ nữ Việt Nam khác trong dòng họ tôi.
Trái với bà ngoại tôi, bà nội tôi không có một cái tên quý phái. Bà nội tôi là con một ông cụ đồ hay chữ. Bà thấp lùn, mặt tròn trịa, phúc hậu, tính tình đơn giản, nhu mì, không bao giờ bẳn gắt. Lấy ông nội tôi là người chủ ruộng, bà nội tôi phải làm việc vất vả, quán xuyến việc đồng áng, nhà cửa. Rồi hai ông bà bỏ hết của cải, ruộng vườn di cư vào miền Nam. Lúc mới vào Sài Gòn, bà tôi phải đi gánh nước thuê, hằng ngày phải dậy từ ba giờ sáng đi bán xôi rong để nuôi gia đình cho đến khi bố tôi được bổ đi dạy. Bố tôi bảo bà nội lùn xủn vì suốt đời phải gồng gánh bưng xách. Những gồng gánh bưng xách đã hủy diệt sức lớn trong xương cốt của bà từ thuở còn là thiếu nữ.
Càng về già, bà nội tôi càng say sưa kể lể những chuyện quá khứ ở miền Bắc Việt Nam. Bà là nạn nhân của tục tảo hôn. Bà bị gả cho một cậu bé trai lên bảy. Buồn tủi, bà trốn bền nhà cha mẹ . Rồi sau, bà lấy ông nội tôi là con nhà địa chủ. Bà phải làm dâu, cũng phải để ông nội tôi lấy vợ bé, và phải tảo tần sương gió. Sinh đẻ cả hơn mười lần, chỉ nuôi được năm. Trong cuộc chiến tranh Việt Pháp, người con gái đầu lòng của bà, cô cả chị bố tôi, bị tử nạn năm hai mươi tuổi. Cô cả là người phụ nữ học thư'c, làm nghề y tá, nói tiếng Pháp thạo.
Ngày còn là học sinh ở Việt Nam, tôi vẫn suy nghĩ mãi, không hiểu tại sao trong cuộc đời bà nội tôi cũng có những cái tang đau khổ, những biến cố đánh nặng vào đầu óc, vậy mà bà nội tôi không mộng thấy quan tài. Hay là bà nội tôi cũng có nằm mộng đấy, mà không kể lể, khóc thương?
Chiếc quan tài ám ảnh tuổi thơ của tôi cùng với hình ảnh những người đàn bà khác trong họ. Tôi có người cô họ, tên Oanh, năm hai mươi hai tuổi thì chồng chết trận. Cô than khóc, vật vã, gào thét, vất vưởng, mắt lạc thần cả mấy năm sau đó. Trong họ hay bảo: cô khật khùng vì đau khổ. Tôi có người dì họ, tên Thanh, chồng chết đã lâu. Bà ngồi bán nón ở chợ Đông Ba, Huế để nuôi con. Đứa con trai của bà chết trận. Quan tài của con chở về, bà cũng khóc lóc, vật vã, khật khùng như cô Oanh. Chứng kiến nỗi đau khổ của họ, tôi vẫn tự hỏi không biết rồi họ có nằm mộng thấy những cỗ quan tài trôi lềnh bềnh trên sông như bà ngoại tôi?
Cũng năm mười lăm tuổi, tôi đọc cuốn Phái Thứ Hai (Deuxième Sexe) của nhà văn Pháp Simone de Beauvoir, tình nhân của triết gia Jean Paul Sartre. Trí óc tôi chưa đủ phát triển để hấp thụ hết cái thuyết tranh đấu cho nữ giới trong tác phẩm của de Beauvoir. Nhưng tôi đã đủ lớn không để nhận thức rằng trong tác phẩm của nhà văn nữ này, không có cái ám ảnh đau thương của những cỗ quan tài như trong giấc mộng của bà ngoại, không có những gồng gánh, bưng xách đến lùn cả người như trong đời bà nội tôi, cũng không có những cỗ quan tài bọc cờ và những cơn vật vã, khật khùng của cô Oanh và dì Thanh. Những phụ nữ Âu Mỹ tranh đấu để được quyền. Còn những phụ nữ trong gia đình tôi phấn đấu để sống còn, và sống là sống cho người chứ không phải cho mình. Tôi tự hỏi tại sao trên mặt đất này mà những mẫu người đàn bà được Simone de Beauvoir phân tích là tác phẩm của trí tuệ và ý thức, còn những người đàn bà thân yêu trong đời tôi là tác phẩm của nước mắt chảy ngược vào lòng?
Tháng tư năm bảy lăm, bố tôi mang vợ con, cha mẹ và anh em vào phi trường Tân Sơn Nhất để đợi máy bay sang Mỹ. Dĩ nhiên là ông bà ngoại tôi ở lại Sài Gòn chứ không thể nào theo con gái và gia đình con rể. Cuộc ly biệt quá ngắn ngủi, vội vã. Để tránh xu'c động, ông ngoại tôi lánh mặt con gái, con rể, và các cháu. Mẹ tôi cũng tránh vương vấn chia tay với ông bà ngoại, và tôi cũng thế. Tôi nhớ mẹ tôi gọi bà ngoại vào trao tay hòm chìa khóa thay thế lời từ biệt.
Bố tôi dùng xe hơi chở gia đình vào phi trường. Không hiểu vì sao, tôi tình nguyện lái Honda PC theo sau. Tôi nhớ mãi hình ảnh bà ngoại tôi đứng ngơ ngác bên cửa sổ sân nhà, không dám hỏi chuyện để tránh xúc động khi những người thân của bà đang tíu tít xưa xoan cho cuộc hành trình vô định. Bà đội nón lá như lúc đi chợ, tóc muối tiêu búi đàng sau, đôi mắt buồn như muốn khóc.
Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà ngoại tôi.
***
Bây giờ tôi đã lớn, tôi không làm cô giáo.* Tôi không ở Huế và bà ngoại tôi đã chết.
Một buổi chiều mùa hạ năm bảy chín, tôi theo một người bạn trai Mỹ làm nghề phó nhòm, muốn chụp ảnh tôi để “lăng xê” tôi làm người mẫu. Tôi gọi điện thoại về nhà, thì bên kia đầu dây mẹ tôi tức tưởi: “Con ơi, bà ngoại chết rồi!”. Tự nhiên trong bụng tôi đau nhói như có mũi dao đâm. Tôi không khóc nhưng lần đầu tiên trong đời, tôi có cảm giác gọi là “đau như đứt ruột”.
Bà ngoại tôi chết trong đau đớn vì bạo bệnh mà không đủ thuốc men. Bà mất đi không một lần thấy lại đứa con gái thân yêu, con rể, và các cháu ngoại, nhất là đứa cháu đã chia sẻ những giọt nước mắt với bà.
Cái chết của bà ngoại làm tôi thấm thía thêm ý nghĩa “sinh ly tử biệt.” Lần cuối cùng nhìn bà ngoại buổi chiều tháng tư năm bảy lăm, khi bà tần ngần đứng bên cửa sổ nhìn con cháu ra đi là ý nghĩa nỗi khổ “sinh ly”. Và tin bà chết ở bên kia bờ đại dương là ý nghĩa niềm đau “tử biệt” . Tôi tự an ủi nghĩ rằng tôi không phải là người độc nhất thấm thía cái đau sinh ly tử biệt. Mà đó là cái đau chung của cả một dân tộc kém may mắn trên bản đồ thế giới. Nô lệ và chiến tranh. Một cơn lốc chính trị xoay chuyển cả nguồn gốc của một văn hóa nghèo, chậm tiến. Trong phần tư thế kỷ mà hai lần di tản cả triệu con người, vượt đường trường, vượt đại dương.
Tôi vẫn tự hỏi trong thời gian chúng tôi ở Mỹ, và bà ngoại sống thiếu thốn ở Việt Nam, không biết bà có nằm mộng thấy những cỗ quan tài trôi sông, và bà có thấy những gì bên trong cỗ quan tài đó ? Điều đó bà chưa hề hé môi chia sẻ với tôi. Hay với bất cứ ai, kể cả chồng con.
Năm một chín chín mươi, tôi có một hồi rảnh rỗi trong nghề nghiệp để đọc lại văn chương Việt Nam. Lần đầu tiên, tôi ngồi đọc hết mấy ngàn câu Chuyện Kiều, để ngẫm nghĩ về nước mắt, định mệnh, và sự phấn đấu của cô Kiều, về thân phận người đàn bà mà Nguyễn Du thương xót như thương xót chính thân phận tài hoa kẻ sĩ, và nỗi cô đơn tột độ của người thức giả:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như***
Cũng năm đó, vô tình tôi đọc một truyện ngắn của bà Bùi Bích Hà, làm tôi nhớ giấc mộng mộng của bà ngoại. Tôi không biết là truyện có thật hay không? Nhà văn kể lại truyện của một người đàn bà Việt Nam đi vớt xác con trên đường đi vượt biển. Truyện làm tôi bàng hoàng, nhắc tôi nhớ hình ảnh người đàn bà chịu đựng, ngồi một mình chờ những cỗ quan tài lềnh bềnh trên sông. Những cỗ quan tài của Tĩnh Tâm.
Tôi đi tìm một cuốn sách tâm lý giải mộng của Tây phương. Trong cuốn sách đó, tác giả bảo nằm mộng thấy quan tài là cảm giác bất an của người bị đe dọa bởi thiên tai, đại họa, sự trừng phạt vô cớ của định mệnh, hoàn cảnh, ở ngoài khả năng và quyền hạn của con người, không đo lường được.
Cuối năm đó, có lần tôi ra đứng bên bờ Đại Tây Dương, ngắm tượng Nữ Thần Tự Do khi thành phố Nữu Ước lên đèn. Gió lành lạnh. Hình ảnh người phụ nữ cầm chiếc đuốc soi bờ đại dương sừng sững một mình tự nhiên làm tôi nhỏ nước mắt.
Tôi không biết mình nhỏ nước mắt vì ai, cho ai. Tôi đâu dám bắt chước con người tài tử Nguyễn Du khóc người ba trăm năm trước để hỏi người ba trăm năm sau. Có lẽ tôi khóc vì tôi nhớ lại cuộc di cư ngày nào. Tôi nhớ đến khuôn mặt đẹp và ánh mắt sầu muộn của bà ngoại tôi. Giấc mơ hồn nhiên của tuổi thơ, sẽ làm cô giáo nuôi bà ngoại ở Huế, tôi đã bỏ mất. Bà không còn chỉ là bà ngoại, mà là hình ảnh Tĩnh Tâm, người phụ nữ sinh trước tôi hai thế hệ. Hình ảnh bà mang tôi về tuổi thơ xứ mẹ. Hình như tôi khóc vì trong lòng tôi cũng mang hình ảnh những cỗ quan tài như trong giấc mộng của Tĩnh Tâm. Vì tôi mang nặng một nơi chốn đã đi vào tiềm thức tôi, một nơi chốn mà thân phận đàn bà là tiếng kêu rên xiết trong những tập tục và thành kiến văn hóa bóp kẹp con người, nơi chốn của một cuộc chiến tranh tức tưởi, và những hỗn loạn lịch sử vời vợi thương đau, đã gây nên sự phá sản, không phải chỉ vật chất, kinh tế, mà e còn lan sang địa hạt tinh thần.
Tôi tự hỏi có người phụ nữ Việt Nam nào nhạy cảm, là nạn nhân của xã hội chiến tranh đó, mà không mang trong lòng những cỗ q
uan tài của Tĩnh Tâm? Tôi may mắn sinh ra trong một thời đại không phải gồng gánh, bưng xách như bà nội tôi, không phải cưới vợ hầu cho chồng như bà ngoại tôi, không phải là nạn nhân của tục tảo hôn, không phải tủi sầu vì không có con trai. Tôi may mắn không phải đi vớt xác con, đi nhận xác chồng, xác con trai như những người bất hạnh của cố hương đầy đau khổ.
Tôi tin vào thuyết tiềm thức tập thể của nhà tâm lý học Carl Jung. Cho nên tôi đứng đó, đối diện tượng Nữ Thần Tự Do, bên bờ biển Đại Tây Dương, là một người đàn bà di dân đến từ nước Việt Nam nhỏ bé, trước ngưỡng cửa thế kỷ hai mươi mốt, nhớ đến hương hồn của bà ngoại và nghe tiếng kêu khóc của những người đàn bà Việt Nam xấu số. Tôi đến Mỹ khi còn là đứa bé gái hăm hở trước cuộc đời. Cuộc di cư đã cho tôi lối thoát và cơ hội để áp dụng sự phân tích của Simone de Beauvoir vào đời sống của chính mình. Nhưng tôi vẫn nhỏ nước mắt, hướng về Tây phương và quay lại Đông phương, thường tự hỏi mỗi nơi sẽ đem lại những gì cho tính nhạy cảm và cái tiềm thức văn hóa trong tôi. Nước mắt tôi vẫn nhỏ, cho dù bề ngoài tôi cứng rắn, vì tôi đã nghe, đã chứng, đã xót xa trong lòng về những cỗ quan tài của Tĩnh Tâm.
Dương Như Nguyện (Tri’ch tu)` Mùi Hương Quế)
*This piece of creative non-fiction was written in the late 1980s, when author Uyen Nicole Duong (Nhu-Nguyen) was practicing law in Washington, D.C. Two decades later, she did follow her parents' footsteps to become a law professor.
No comments:
Post a Comment